Tạp chí chuyên ngành

THÔNG TIN CHUNG

Hiện nay trên thế giới có một lượng khổng lồ các tạp chí Y sinh học, trong số đó có rất nhiều tạp chí chuyên ngành dược, bao hàm tất cả các lĩnh vực: dược lý, dược điều trị, dược động học, dược di truyền học, cảnh giác dược, bào chế, nghiên cứu & phát triển thuốc mới, dược theo từng chuyên khoa...Đây là một nguồn thông tin cấp 1 vô cùng phong phú phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên dược cũng như dược sĩ và cán bộ y tế nói chung.

Thông thường, khi có nhu cầu tìm hiểu một thông tin cụ thể, chúng ta sẽ tìm các bài báo khoa học liên quan các chủ đề đó bằng các từ khóa, dựa trên một số cơ sở dữ liệu như: PubMed, ScienceDirect, ResearchGate,...Còn nếu không có nhu cầu tìm kiếm thông tin cụ thể, thì việc truy cập định kì vào một số tạp chí chuyên ngành để đọc các nghiên cứu mới, các bài tổng quan (review), bài xã luận, CME, CPE,...cũng rất cần thiết để cập nhật và bổ sung thêm kiến thức mới cho bản thân. Do vậy, mục đích của chuyên mục "Tạp chí chuyên ngành" này chính là giới thiệu các tạp chí hữu ích, phần lớn tập trung vào lĩnh vực dược, để những người quan tâm có thể vào đọc các bài báo mới định kì.

Một điều quan trọng cần lưu ý với các bạn sinh viên, nếu chưa quen với những vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học, là khi truy cập vào một tạp chí, cần lưu ý 2 khía cạnh để đánh giá mức độ tin cậy của tạp chí đó. Thứ nhất là xem xét tạp chí đó có phải là một tạp chí có bình duyệt (peer-reviewed) hay không? Một tạp chí có bình duyệt tức là các bài báo để được công bố phải trải qua một quá trình phản biện khắt khe của các chuyên gia trong ngành, do đó thường đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học. Thứ hai là xem xét hệ số ảnh hưởng IF (impact factor) của tạp chí đó. Hệ số ảnh hưởng có thể xem là một con số định lượng thể hiện "đẳng cấp" của một tạp chí, được công bố hàng năm và người ta thường dựa vào đó để xếp thứ tự các tạp chí trong cùng chuyên ngành. Tạp chí có IF càng cao thì càng uy tín trong chuyên ngành, nhưng cũng cần lưu ý là tùy theo mỗi chuyên ngành mà con số IF cao-thấp rất khác nhau, do đó không thể dựa vào IF để đánh giá các tạp chí trong các chuyên ngành khác nhau. Các tạp chí y khoa nổi tiếng trên thế giới thường có chỉ số IF rất cao, như New England Journal of Medicine, Lancet,...

VÀI GỢI Ý VỀ CÁCH TẢI MỘT BÀI BÁO KHOA HỌC

Xét về khía cạnh khả năng truy cập, có thể chia các tạp chí thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: Các tạp chí truy cập miễn phí hoàn toàn (tức là miễn phí cả các bài báo mới nhất)
- Nhóm 2: Các tạp chí truy cập miễn phí sau một thời gian, thường là 6 tháng - 1 năm
- Nhóm 3: Các tạp chí thu phí hoàn toàn (thu phí tất cả các bài báo bất kể là cũ hay mới)

Các bài báo khoa học nói chung thường có giá rất đắt, có thể vài chục USD một bài báo, làm cho khả năng truy cập của bạn đọc từ các nước đang phát triển là rất hạn chế, ngay cả các trường đại học, viện nghiên cứu lớn ở các nước phát triển cũng gặp nhiều khó khăn về chi phí. Phần sau đây gợi ý một vài cách để chúng ta có thể truy cập được các bài báo mới nhất.

1. Trước hết cần xem xét tạp chí đang đọc thuộc nhóm nào trong 3 nhóm trên, nếu thuộc nhóm 1 thì chỉ cần chọn nút pdf để tải bài báo về, nếu thuộc nhóm 2 và nhóm 3 thì có thể áp dụng một số cách sau đây.

2. Tìm kiếm bài báo trên PubMed, xem thử có cho tải về miễn phí hay không, có khá nhiều bài báo có thể tải về miễn phí ngay trên PubMed Central (PMC). PMC cũng cung cấp một danh sách các tạp chí để chúng ta tham khảo, phần lớn trong số này có thể truy cập miễn phí ngay lập tức (PMC Journal List).

3. Nếu không thể tải về miễn phí, chúng ta hãy copy tiêu đề bài báo, liên kết (link) hoặc DOI của bài báo, và dán vào phần tìm kiếm của một số trang như: sci-hub.cc, sci-hub.la, booksc.org, bookzz.org, libgen.org...thì có khả năng cao là sẽ tải được bài báo cần tìm (Đây là các dự án lớn nhằm giúp độc giả từ các nước đang phát triển có thể tiếp cận các bài báo khoa học một cách miễn phí, mặc dù việc này là vi phạm nghiêm trọng về bản quyền).

4. Nếu vẫn chưa thể tải được bài báo mong muốn, thì đội ngũ các nhà khoa học và du học sinh Việt Nam tại nước ngoài luôn sẵn sàng hỗ trợ độc giả trong nước về vấn đề này, thông qua 2 group trên facebook: Nhóm tải báoNhóm tải báo (2nd). Hãy đăng yêu cầu nhờ trợ giúp tải bài báo bất kì và chờ đợi nhận được sự hỗ trợ. Một lưu ý quan trọng là hãy đọc kĩ nội quy của group trước khi nhờ giúp đỡ và luôn kiểm tra xem có thể tải bài báo đó bằng các cách nêu ở trên không, nếu không được thì mới nên nhờ, để tránh làm mất thời gian của người khác !

Với 4 gợi ý trên, thì hầu như các bạn sẽ tìm được bài báo mà mình mong muốn để phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của bản thân.

DANH MỤC CÁC TẠP CHÍ CHUYÊN NGÀNH HỮU ÍCH

Sau đây là phần liệt kê danh sách các tạp chí chuyên ngành hữu ích, phần lớn có liên quan trực tiếp đến chuyên ngành dược. Tên các tạp chí được xếp theo thứ tự alphabet và có đính kèm link để truy cập trực tiếp đến tạp chí đó. Danh sách sẽ được cập nhật liên tục và ngày càng hoàn thiện.

Alimentary Pharmacology & Therapeutics (AP&T): Tạp chí về Dược lý và điều trị trong lĩnh vực tiêu hóa (Ranking 2015: 12/253 Pharmacology & Pharmacy)
American Family Physician (AFP): Tạp chí của Viện Bác sĩ gia đình Hoa Kì (American Academy of Family Physicians). Xuất bản định kì 2 số/tháng, cung cấp nhiều bài viết về thực hành lâm sàng hàng ngày rất hữu ích và có tính ứng dụng cao.
British Journal of Dermatology: Tạp chí của Hội Bác sĩ da liễu Anh quốc (British Association of Dermatologists).
Clinical and Experimental Dermatology: Tạp chí của Hội Bác sĩ da liễu Anh quốc (British Association of Dermatologists).
Dermatologic Therapy: Tạp chí về các liệu pháp trong da liễu.
Diabetes Research and Clinical Practice: Tạp chí chính thức của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation - IDF)
Expert Opinion on Pharmacotherapy: Cung cấp nhiều bài review về dược điều trị.
Journal of Clinical Pharmacy and Therapeutics: Tạp chí về Dược lâm sàng và điều trị học.
Journal of Drugs in Dermatology (JDD): Tạp chí chuyên về thuốc dùng trong Da liễu. Có cung cấp các bài CME + Exam hữu ích.
Journal of Family Practice: Tạp chí về thực hành y học gia đình, có nhiều bài báo về các vấn đề y học phổ thông hàng ngày.
Journal of Pharmacy Practice and Research: Tạp chí của Hội Dược sĩ bệnh viện Australia (The Society of Hospital Pharmacists of Australia)
Journal of the American Academy of Dermatology (JAAD): Có cung cấp các bài Review và CME + Exam.

Lancet: Một tạp chí Y khoa hàng đầu, bên cạnh bản Lancet chung, còn có các phiên bản Lancet theo từng chuyên khoa. Các nghiên cứu công bố trên Lancet thường là các nghiên cứu lớn có ảnh hưởng đến chuyên ngành.
New England Journal of Medicine (NEJM): Tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới, các nghiên cứu công bố trên tạp chí này thường là các công trình lớn, có ảnh hưởng quan trọng đến chuyên ngành và có thể làm thay đổi một quan niệm hoặc một thực hành lâm sàng. Các bài review và CME trên NEJM cung cấp nhiều kiến thức rất hữu ích. Các bài Clinical Practice thường kèm theo file audio, có thể hữu ích nếu độc giả muốn học thêm Tiếng Anh chuyên ngành.
Pharmacoepidemiology and Drug Safety: Tạp chí về Dược dịch tễ học và An toàn thuốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét