VAI TRÒ CỦA RIFAMPIN TRONG VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN (VNTMNK)
1/ Giới thiệu về màng sinh học (Biofilms):
* Trong tự nhiên, các vi khuẩn sống bám và gắn kết với nhau trên các bề mặt, tiết ra các chất để hình thành một lớp màng bao phủ xung quanh – gọi là màng sinh học.
* Màng sinh học có nhiều ý nghĩa trong y học. Chúng hình thành trên xương, van tim, mô cũng như trên các van tim nhân tạo, catheters hay các vật cấy giả. Chúng liên quan đến nhiều bệnh như viêm nội tâm mạc, bệnh xơ nang, nhiễm trùng tai giữa, sỏi thận, bệnh nha chu, nhiễm trùng tiền liệt tuyến.
Sự hình thành các biofilms
* Màng sinh học làm giảm sự thâm nhập hay khuếch tán các chất vào bên trong nó, do đó bảo vệ vi khuẩn trước tác dụng của các chất kháng sinh và chất khử trùng, nên gây ra sự đề kháng của vi khuẩn. Vi khuẩn trong màng sinh học có thể giảm nhạy cảm với kháng sinh từ 100 đến 1000 lần so với khi ở dạng tự do.
2/ Vai trò của rifampin trong VNTMNK:
* Rifampin là kháng sinh thuộc nhóm rifamycin, tác dụng bằng cách ức chế sự tổng hợp ARN, thông qua ức chế RNA polymerase phụ thuộc DNA.
* Rifampin được cho là có vai trò quan trọng trong điều trị VNTMNK do tụ cầu ở bệnh nhân có van nhân tạo, do nó có khả năng đặc biệt thâm nhập vào màng sinh học và tiêu diệt tụ cầu bên trong các màng sinh học bám dính trên các van nhân tạo này.
* Tuy nhiên, tụ cầu có khả năng biến đổi để nhanh chóng đề kháng với rifampin, do đó rifampin luôn phải phối hợp với các thuốc kháng tụ cầu khác để giảm thiểu sự đề kháng này.
* Trong thực hành lâm sàng, VNTMNK do tụ cầu ở bệnh nhân có van tim nhân tạo thường được điều trị theo phác đồ: nafcillin/oxacillin (với tụ cầu nhạy cảm) hoặc vancomycin (với MRSA/bệnh nhân dị ứng penicillin) + 1 aminoglycoside (thường là gentamicin) + rifampin. (Xem hình - Theo "Harrison's Cardiovascular Medicine 2nd 2013")
* Rifampin thường dùng với liều 300mg IV/PO × 3 lần/ngày ở người trưởng thành; trẻ em là 20 mg/kg/ngày IV/PO chia thành 3 lần bằng nhau. Liều ở trẻ em không nên vượt quá liều dành cho người lớn.
* Lưu ý: Rifampin có khả năng gây tương tác với nhiều thuốc, do nó là chất cảm ứng mạnh CYP3A4 và P-glycoprotein. Tránh dùng chung rifampin với dabigatran, rivaroxaban và apixaban.
Tham khảo:
1. Burton's Microbiology for the Health Sciences 10th (2015), trang 181, 182.
2. Harrison's Cardiovascular Medicine 2nd (2013), chapter 25: Infective endocarditis.
3. Clinical Cardiology - Current Practice Guidelines 1st (2013), appendix 2: Therapy of endocarditis.
4. Cardiology Secrets 4th (2014), page 386.
5. Cardiovascular Pharmacotherapeutics 3rd (2011), page 601, 602.
6. Manual of Cardiovascular Medicine 4th (2013), page 336.
7. Biofilms, Infection, and Antimicrobial Therapy (2006), page 359, 360.
8. Graeme N. Forrest et al., Rifampin Combination Therapy for Nonmycobacterial Infections,Clinical Microbiology Reviews, Jan. 2010, p. 14–34.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét